(Thethaotruonggiang.com) Sau gần 100 năm ra đời và hoàn thiện dần, đến đầu thế kỷ 20 xe đạp trở thành mốt phổ biến rộng khắp thay thế các loại xe kéo bằng ngựa hay súc vật khác. Xe đạp sử dụng năng lượng cực kỳ hiệu quả vì có đến 99% lực tác động vào bàn đạp tạo thành chuyển động của xe.
Đi xe đạp vừa giúp tăng cường sức khỏe vừa giúp bảo vệ môi trường.
Lượng khí thải CO2 (do người thở ra) thấp hơn hàng ngàn lần mọi loại phương tiện khác và thấp hơn 10 lần loại dùng năng lượng sạch nhất tính trên mỗi đơn vị công sinh ra. Xe đạp còn tồn tại được là nhờ bản tính thân thiện với môi trường.
Xe đạp thịnh hành
Nhiều quốc gia hiện nay vẫn rất yêu chuộng xe đạp. Châu Âu trong lành và xinh đẹp cũng có phần nhờ người dân thích đi xe đạp như ở Thụy Điển, Pháp, Đức… Họ có những “thành phố xe đạp” hoàn toàn không bị ô nhiễm không khí hay ô nhiễm tiếng ồn như Cambridge, Bristol, Oxford (Anh), Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan)…
Nước Úc đang có doanh số tiêu thụ xe đạp nhiều hơn ôtô. Người dân Trung Quốc, Nhật Bản đa số di chuyển bằng xe đạp và phương tiện công cộng. Hàn Quốc dành hơn 1 tỉ USD phát triển đường dành riêng cho xe đạp, phát phiếu mua hàng, bán hàng giảm giá cho người đi xe đạp trong một chiến lược 10 năm. Thị trường xe đạp toàn thế giới phát triển 10% trong vòng năm năm qua, đem lại nhiều lợi nhuận cho Đài Loan và Brazil. Tất cả cho thấy xe đạp đang thịnh hành trở lại ở các nước phát triển.
Người đạp xe vận tốc 20km/giờ tiêu hao năng lượng bằng với người đi bộ 5km/giờ. Do đó đạp xe là sự kết hợp lý tưởng giữa tập luyện thân thể và di chuyển, đặc biệt thích hợp cho những người muốn phòng ngừa tăng cân hay có nghề nghiệp ít vận động như “dân” văn phòng… Thời gian dành cho bài thể dục buổi sáng này chỉ nên giới hạn trong 30-45 phút, tương ứng với lộ trình dưới 10km, hai lần đi về mỗi ngày như vậy sẽ giúp tiêu thụ khoảng 500cal.
Giữa đạp xe và đi bộ theo vận tốc trên tuy có cùng mức tiêu hao năng lượng nhưng thành phần “nhiên liệu” lại khác nhau. Đạp xe ở cường độ trung bình sử dụng 60% nhiên liệu là chất béo tự do trong huyết tương, ngược lại đi bộ với cường độ cao hơn dùng đến 60% nhiên liệu là glycogen trong cơ. Nói cách khác, đạp xe có khuynh hướng giảm mỡ nhiều hơn và đi bộ thì dễ mệt hơn. Sau khoảng 10 tuần tập đều đặn sẽ giảm bớt cholesterol toàn phần và cholesterol xấu LDL, đồng thời gia tăng nồng độ cholesterol tốt HDL, huyết áp trung bình cũng giảm 10-15mmHg, góp phần ổn định huyết áp và bớt sử dụng thuốc ở người tăng huyết áp.
Để bảo đảm sức khỏe chúng ta nên chú ý đến nhiệt độ và nước uống. Trước khi đạp xe 20 phút nên uống 200ml nước, và mang theo chai nước nhấp từng ngụm nhỏ cách mỗi 15 phút sẽ sảng khoái hơn. Nhiệt độ môi trường quá cao làm cơ thể nhanh chóng mất nước, vì vậy cần hạn chế đạp xe khi trời quá nóng trên 40OC.
Chú ý tư thế
Đạp xe giúp rèn luyện cơ bắp, hệ tim mạch, hệ hô hấp. Tuy nhiên nếu tư thế không đúng hoặc chọn xe không phù hợp sẽ mất đi sự thoải mái, thậm chí bị đau nhiều nơi. Tư thế ngồi cúi khom đổ dồn trọng lượng lên tay lái có thể gây đau cổ, tê lan từ vai xuống tay, đau cổ tay, đau thắt lưng. Khi đó nên điều chỉnh nâng cao tay lái, ngồi thẳng lưng cao lên. Một số người có thể bị tức ngực, thở dốc do hô hấp không hiệu quả, hơi thở ngắn, dồn dập làm quá tải cơ liên sườn. Chỉ cần đạp chậm lại, hít thở sâu bằng cơ bụng sẽ bớt mệt ngay.
Nếu yên quá thấp và thường xuyên đạp xe lên dốc cao có thể bị đau mặt bên ngoài đùi (hội chứng co rút dải chậu chày) hoặc đau mặt trước đùi (viêm gân bánh chè); trường hợp này phải điều chỉnh yên và tạm ngưng đạp xe 1-2 tuần đến khi hết đau hẳn.
Có một điều các quý ông lưu ý nếu ngồi trên yên xe quá lâu cộng với bản yên hẹp, cứng có thể làm chèn ép mạch máu – thần kinh ở khu vực “nhạy cảm”, dẫn đến tình trạng “trên bảo mà dưới… nghe không rõ” làm các ông hoang mang. May mắn vụ này chỉ tạm thời thôi và sẽ phục hồi y như cũ. Thông thường yên theo xe sẽ không vừa cho mọi người, chúng ta nên đặt làm yên có bản rộng và mềm phù hợp cho riêng mình.
Tag : Máy massage, máy tập cơ bụng, xe đạp tập thể dục.