1. Chân ( Sức mạnh)
Khi nói đến chân, chúng tôi đang muốn nhấn mạnh đến nhóm cơ đùi trước (cơ tứ đầu) và cơ bắp chân. Nguồn sức mạnh thực sự luôn đến từ mặt đất chứ không ở đâu khác, và vì chân bạn kết nối trực tiếp với đất, chúng chịu trách nhiệm chính tạo ra sức mạnh cho toàn bộ cơ thể. Chân còn là nơi có nhóm cơ to nhất, đó là lý do tại sao tất cả những cú đấm đúng kỹ thuật đều phải kết hợp với chân trụ và chân xoay.
Khi tung cú đấm, không phải bắp tay hay ngực là nơi sản sinh ra lực nhiều nhất mà chính là từ chân! Nếu quan sát những tay chơi boxing huyền thoại, bạn sẽ thấy rằng những người có cú đấm mạnh mẽ nhất thường có phần chân to hơn là bắp tay hay lồng ngực nở. Marcos Maidana, Manny Pacquiao, Thomas Hearns, Julian Jackson, và Felix Trinidad dường như đều không sở hữu phần thân trên phát triển vượt trội nhưng cú đấm đều mang uy lực phi thường. Kể cả người sắt Mike Tyson, người vốn khét tiếng với những đòn đấm của mình, vẫn có cơ chân phát triển hơn cánh tay!
2. Cơ bụng
Cơ bụng là nhóm cơ rất quan trọng trong việc giữ cơ thể vững vàng và thăng bằng. Mỗi chi trên người chúng ta đều đem lại lượng sức mạnh nhất định và cơ bụng chính là thứ kết hợp các chi lại và tạo ra sức mạnh tổng hòa. Ngoài việc tổng hợp lực của các chi vào trong một cú đấm, cơ bụng còn giúp bạn hít thở và di chuyển thân trước linh hoạt.
Tập luyện một cơ bụng chắc khỏe là tăng khả năng thăng bằng của cơ thể, tạo ra nền tảng vũng chắc cho tốc độ và sức mạnh.
3. Lưng
Phần lưng có một nhiệm vụ quan trọng nhưng ít người biết đến là phục hồi nắm đấm – nghĩa là tốc độ mà bạn rút tay về sau mỗi lần đánh.
Nhiều đấu thủ Boxing dành quá nhiều thời gian để tập chống đẩy và đánh bao cát để phát triển phần thân trên mà ít ai để ý tới phần rìa bên vai và phần lưng, nhưng bạn có biết không, khi đánh vào bao cát, lực phản xa khi tiếp xúc với bao sẽ làm tay sẽ tự động nảy ra và bạn không tốn sức để rút tay về. Nếu không chú ý tập luyện nhóm cơ này, đến khi thực sự vào trận, cánh tay của bạn sẽ bị mỏi rất nhanh vì khi đó bạn phải tự rút tay mình về mà không có lực phản xạ từ bao cát.
Lưng khỏe giúp tăng sức bền cho các boxer và giúp họ tung ra những cú đánh liên hoàn mà không bị giảm uy lực trong suốt trận đấu dài.
4. Vai
Phần vai là nhân tố chủ yếu trong việc chịu đựng lực đấm. Điển hình là khi boxer đã quá mệt mỏi để tung ra cú đấm hay bảo vệ phần đầu, đó là do phần vai của họ đã kiệt sức!
Vì thế, nếu bạn muốn tung ra nhiều cú đấm hơn và giữ tay che đầu lâu hơn, bạn nên bắt đầu luyện sức bền cho vai ngay bây giờ và đừng quá lo lắng đến việc luyện cho vai có lực đấm mạnh hơn, nó không góp nhiều sức vào cú đấm của bạn như phần cơ chân đâu nhé!
5. Cánh tay
Cánh tay có nhiệm vụ chính là truyền lực, nghĩa là chuyển lực đấm sang đối thủ. Cánh tay không chịu trách nhiệm sản sinh ra sức mạnh, điều mà phần chân phải làm. Vì thế, tất cả những gì nó cần chính là vươn ra và chạm tới đối phương. Chúng ta luôn cần một cánh tay NHANH chứ không phải một cánh tay mạnh, một điều bị nhiều người tập boxing nhầm lẫn.
Cụ thể là phần cơ tay sau (cơ ba đầu) cho cú đấm thẳng và nhanh, cơ tay trước (con chuột) cho đấm móc và uppercut. Luyện tập tốc độ cho cánh tay, giữ cơ tay rắn chắc và linh hoạt là những gì cần thiết cho một đấu thủ boxing thành công.
6. Nhóm cơ nhỏ khác
Phần cổ để chịu đựng lực đấm, một cái cổ khỏe giúp bạn giữ phần đầu vững vàng và tránh chừa ra điểm yếu để đối thủ tấn công. Ngay cả người sắt Mike Tyson cũng dành riêng 30 phút mỗi ngày để tập luyện riêng cho phần cơ cổ đấy.
Phần cẳng tay giúp nằm đấm chặt hơn khi ra đòn, giúp cú đấm chắc chắn hơn và tránh gây chấn thương cho xương tay.